Bài viết

01/07/2020

Ăn quá nhiều đường có liên quan đến sự tích tụ của chất béo có hại

Viết bởi Support Bizweb / 0 bình luận

Ngày 29 tháng 06 năm 2020

Nguồn: Hiệp hội Tim mạch châu Âu (European Society of Cardiology)

Tóm tắtĂn nhiều đường dẫn đến sự tích tụ một lượng lớn chất béo xung quanh tim và bụng, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Đó là phát hiện của một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Dự phòng Châu Âu, một tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC).

"Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường, lượng dư thừa sẽ chuyển thành chất béo và được tích trữ", cô So Yun Yi, nghiên cứu sinh tại Đại học Minnesota School of Public Health cho biết. "Mô mỡ này nằm xung quanh tim và khu vực bụng sẽ giải phóng các hóa chất vào cơ thể có thể gây hại cho sức khỏe. Kết quả nghiên cứu này của chúng tôi củng cố thêm cho việc hạn chế việc cho thêm đường trong khẩu phần ăn."

Tiêu thụ đường quá mức là một vấn đề toàn cầu. 6 quốc gia có doanh số đồ uống có đường cao nhất tính theo đầu người là Chile, Mexico, Argentina, Peru, Mỹ và Ả Rập Saudi. Nhu cầu về đường dự kiến sẽ tăng ở châu Á, châu Phi và Nga.

Nghiên cứu này đã khảo sát cả đồ uống có đường (như nước ngọt, nước trái cây, nước tăng lực) và đường được cho thêm vào thực phẩm và đồ uống để tạo vị ngọt (như khi nấu ăn hay trong thực phẩm chế biến). Các nhà nghiên cứu đã phân tích mối liên quan giữa việc ăn nhiều đường trong thời gian dài và sự tích tụ chất béo xung quanh tim và các cơ quan khác.

Dữ liệu được lấy từ Coronary Artery Risk Development in Young Adults (CARDIA), một nghiên cứu thuần tập [1] diễn ra ở Mỹ bao gồm các trung tâm ở bang Alabama, California, Illinois và Minnesota. Tổng cộng có 3.070 người khỏe mạnh từ 18 đến 30 tuổi tham gia vào nghiên cứu này.

Lượng thực phẩm và đồ uống mà người tham gia nghiên cứu ăn vào cơ thể được đo lường 3 lần trong khoảng thời gian 20 năm (1985 đến 2005). Vào năm 2010 tức sau 25 năm, người tham gia nghiên cứu được chụp cắt lớp (CT) ở ngực và ở bụng để đo khối lượng mỡ vùng bụng và xung quanh tim.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng đường tiêu thụ trong khoảng thời gian 20 năm có liên quan đến lượng chất béo sau này. Lượng tiêu thụ cao đồ uống có đường và đường thêm vào thì có liên quan đến sự tích tụ chất béo xung quanh các cơ quan nhiều hơn, theo cách tăng dần.

"Phát hiện của chúng tôi cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều đường và đồ uống có đường có liên quan đến lượng mô mỡ cao", Tiến sĩ Lyn Steffen thuộc Đại học Minnesota School of Public Health cho biết. "Và chúng ta đã biết sự tích tụ chất béo thì có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh tim và tiểu đường."

Chúng ta nên giảm lượng đường tiêu thụ mỗi ngày. Tiến sĩ Lyn Steffen khuyên rằng "hãy uống nước lọc thay vì đồ uống có đường và chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh hơn thay vì thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt. Đọc nhãn thực phẩm để kiểm tra lượng đường có trong những sản phẩm bạn đang mua. Hãy tìm và xem các thành phần như xi-rô, glucose, fructose, sucrose và maltose. Nhận thức rõ hơn về đường sẽ giúp bạn cắt giảm nó."

Tiến sĩ Steffen nói: "Trên hết, những nỗ lực cá nhân của chúng ta, chính phủ, nhà sản xuất thực phẩm, nhà hàng, trường học và nơi làm việc có vai trò trong việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàm lượng đường trong thực phẩm và đồ uống, đưa ra các lựa chọn thay thế lành mạnh hơn."

 

Theo ScienceDaily

Chú thích:

[1] NGHIÊN CỨU THUẦN TẬP (COHORT STUDY) • Là một loại nghiên cứu dọc, trong đó một hay nhiều nhóm cá thể được chọn trên cơ sở có phơi nhiễm hay không phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ, sau đó được theo dõi một thời gian để xác định sự xuất hiện bệnh. • Đặc điểm: – Là một nghiên cứu dọc ít nhất kéo dài vài năm. – Có thể là nghiên cứu tương lai hoặc hồi cứu. – Xuất phát từ phơi nhiễm chứ không xuất phát từ bệnh.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: